Tốc độ tăng GDP năm 2023 đạt 5,05%
Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2024 ở Việt Nam sẽ là bao nhiêu?
Quốc hội ban hành Nghị quyết 103/2023/QH15 ngày 09/11/2023 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Trong đó, Nghị quyết đã đặt ra các chỉ tiêu cần đạt được trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 như sau:
- Tốc độ tăng trưởng GDP từ 6,0 - 6,5%;
- GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 đô la Mỹ (USD).
- Tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%.
- Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4,0 - 4,5%.
- Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8 - 5,3%.
- Tỷ trọng lao động nông nghiệp trong tổng lao động xã hội đạt 26,5%.
- Tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28 - 28,5%.
- Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%.
- Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm trên 1%.
- Số bác sĩ trên 10.000 dân đạt khoảng 13,5 bác sĩ.
- Số giường bệnh trên 10.000 dân đạt khoảng 32,5 giường bệnh.
- Tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,1% dân số.
- Tỷ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới đạt 80%.
- Tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 95%.
- Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường đạt 92%.
Được biết, Nghị quyết 103/2023/QH15 thể hiện mục tiêu tiếp tục ưu tiên tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.
Tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, chính sách; khơi thông các nguồn lực; xử lý hiệu quả các vướng mắc để phát triển các loại thị trường ổn định, an toàn, lành mạnh, bền vững; nâng cao hiệu quả việc tổ chức thực hiện luật pháp, chính sách, thực thi công vụ.
Đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng chiến lược trọng điểm, quan trọng quốc gia.
Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Chăm lo các đối tượng chính sách;...
Xem thêm tại Nghị quyết 103/2023/QH15 ban hành 09/11/2023.
Trong 10 năm 2001 – 2010, giá trị tổng sản phẩm quốc gia (GDP) của toàn thế giới tính theo giá thực tế ước tính đạt 463,675.35 tỷ USD, gấp 1.63 lần tổng GDP giai đoạn 1991 – 2000. Tốc độ tăng trưởng trung bình ước tính của cả giai đoạn này là 3.2%/năm (so với 3.1%/năm trong giai đoạn 10 năm 1991-2000).
Đồ thị 1: Tốc độ tăng trưởng GDP toàn cầu 2000 - 2010
Cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ nửa cuối năm 2008 kéo dài sang năm 2009 lan rộng trên toàn thế giới đã khiến GDP toàn cầu năm 2009 giảm 5.826 tỷ USD so với năm 2008 (đây là lần đầu tiên GDP toàn cầu tăng trưởng âm trong vòng 20 năm trở lại đây), kéo tốc độ phát triển trung bình của toàn giai đoạn đi xuống, từ 4,04%/năm cho giai đoạn 2001 đến 2007, xuống còn 3,2% cho cả giai đoạn 2001-2010. Trong năm 2010, ước tính kinh tế thế giới đã bước đầu phục hồi với tốc độ tăng trưởng là 4,8% tuy nhiên tốc độ tăng trưởng này được dự báo sẽ giảm xuống 4,2% trong năm 2011 và tăng trở lại vào năm 2012 (IMF).
Tốc độ tăng trưởng GDP trong thời kỳ này có biên độ biến động rộng hơn hẳn so với thời kỳ trước. Mặc dù đạt những mốc tăng trưởng cao như 5,2% vào năm 2007, kinh tế thế giới cũng có những đợt giảm sâu từ 4,7% năm 2000 giảm xuống 2,2% năm 2001 (giảm 2,5%) hay từ 5,2% năm 2007 giảm xuống 3,2% năm 2008 (giảm 2%) và -1,3% năm 2009 (giảm 4,5%), trong khi mức giảm sâu nhất của giai đoạn 1990- 2000 chỉ là 1,5% ( từ 4% năm 1997 xuống 2,5% năm 1998). Biên độ biến động rộng của tốc độ tăng trưởng cho thấy cùng với quá trình phát triển nhanh, có nhiều nhân tố rủi ro tiềm ẩn, cùng kinh tế thế giới ngày càng trở nên khó dự báo và kiểm soát.
Cơ cấu GDP từ nhóm các nước phát triển và các nước đang phát triển có sự thay đổi rõ rệt. Nhóm các nước đang phát triển chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng GDP của thế giới, đã duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định ở mức trên 6% trong suốt thời kỳ từ 2003 đến 2008, và là động lực để kiềm chế độ suy giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế thế giới trong thời kỳ suy thoái 2008 – 2009. Tuy vậy, nhóm nước phát triển vẫn chiếm trên 70% giá trị GDP của toàn thế giới. Trong đó Hoa Kỳ là nước có tỷ trọng GDP luôn ở mức đứng đầu, đạt 14441.42 tỷ USD năm 2008 (trước khi rơi xuống đáy suy thoái vào năm 2009), chiếm 23.79% tổng GDP của thế giới, gấp 2.94 lần GDP của Nhật Bản (nước đứng thứ 2) và 3.33 lần GDP của Trung Quốc (nước đứng thứ 3). Tuy nhiên tỷ trọng của GDP của Hoa Kỳ trong tổng GDP của toàn thế giới đã giảm từ 32.44% năm 2001 xuống chỉ còn 23.79% năm 2008.
Giá trị thương mại quốc tế tăng đều và nhanh qua nhiều năm liên tiếp phản ánh hoạt động giao thương mở rộng gắn liền với toàn cầu hóa. Trong suốt giai đoạn từ 2002 – 2008, tăng trưởng xuất khẩu luôn duy trì ở mức cao hơn mức tăng trưởng của GDP. Đến 2009, thương mại quốc tế suy giảm mạnh do ảnh hưởng từ khủng hoảng kinh tế toàn cầu, mức suy giảm giá trị xuất khẩu là -11.02%, cao hơn nhiều so với mức tăng trưởng âm của GDP (-1.3%).
Đồ thị 2 : Tăng trưởng xuất khẩu và GDP toàn thế giới
Cơ cấu xuất nhập khẩu theo khu vực cho thấy, các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển có tốc độ tăng trưởng thương mại quốc tế cao hơn hẳn (trung bình 7,4%/năm so với 5,4%/năm của nhóm các nước phát triển), tuy nhiên các nước phát triển vẫn chiếm đến trên 70% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của toàn thế giới. Năm 2008, Trung Quốc đã vươn lên trở thành nước đứng đầu về xuất khẩu hàng hóa với cán cân thương mại liên tục được duy trì ở trạng thái thặng dư còn Hoa Kỳ vẫn tiếp tục là thị trường nhập khẩu lớn nhất với cán cân thương mại liên tục ở trạng thái thâm hụt. Sự mất cân bằng thương mại thế giới được xem là một trong những nguyên nhân gốc rễ của cuộc khủng hoảng vừa qua.
Bảng 1: GIÁ TRỊ THƯƠNG MẠI HÀNG HÓA VÀ DỊCH VỤ CỦA MỘT SỐ NƯỚC NĂM 2005 & NĂM 2008
Nguồn : Báo cáo Thương mại quốc tế (World Trade) 2006, 2009 - WTO
Mức tăng trưởng của xuất khẩu và GDP toàn thế giới trong suốt giai đoạn 1990 – 2010 (Biều đồ 2) cũng cho thấy, trong giai đoạn 2001 – 2010, tốc độ tăng trưởng trung bình của xuất khẩu đã giảm hơn hẳn so với giai đoạn trước trong khi tăng trưởng GDP biến động với biên độ nhỏ hơn, mức tăng trưởng không đều qua các năm mà có sự biến động lên xuống đan xen phức tạp, đặc biệt nhạy cảm với những biến động từ kinh tế, chính trị, tài chính,...
Sự phát triển của thương mại quốc tế còn thể hiện trong cơ cấu đóng góp giá trị xuất nhập khẩu trong GDP của mỗi nước ngày càng cao. Tuy nhiên, mở rộng thương mại quốc tế cũng dẫn đến những tác động lớn đối với nền kinh tế nội địa của các nước này khi giá trị xuất khẩu bị suy giảm do khủng hoảng. Cuộc khủng hoảng tài chính 2008 – 2009 trên thực tế không có tác động nhiều đến khu vực tài chính ở nhóm các nước đang phát triển do hầu hết các nước này đang trong quá trình tái cấu trúc lại hệ thống ngân hàng và chưa mở rộng về thị trường tín dụng dưới chuẩn. Tuy nhiên, không vì thế mà thiệt hại được giảm bớt. Sự tác động của cuộc khủng hoảng được truyền dẫn đến các nước này thông qua con đường xuất khẩu. Do cuộc khủng hoảng diễn ra trầm trọng tại Mỹ, Châu Âu, nhóm các nước phát triển đồng thời cũng là thị trường nhập khẩu chính, khiến cho nhu cầu tiêu dùng tại các nước này giảm đột biến. Giá trị xuất khẩu – chiếm tỷ trọng lớn trong GDP của nhóm các nước đang phát triển phụ thuộc vào xuất khẩu, lập tức suy giảm, đã làm giảm mạnh GDP của các nước này trong năm 2008 và 2009.
Hoạt động bảo hộ thương mại ngày càng được giảm bớt, tiến tới hình thành một thị trường chung mang tính quốc tế cho tất cả các quốc gia. Số lượng các cuộc điều tra chống bán phá giá, chống bảo hộ thương mại đã giảm mạnh so với thời kỳ 1999 – 2002. Các cam kết gia nhập tổ chức thương mại quốc tế, sự hình thành các khu vực mậu dịch tự do là những nhân tố cơ bản thúc đẩy các nước mở cửa kinh tế, thực hiện các quy tắc đối xử tối huệ quốc và các quy tắc đối xử quốc gia, duy trì sự công bằng, đảm bảo lợi ích cho các nhà đầu tư nước ngoài tương tự các nhà đầu tư trong nước. Tuy nhiên trong tình trạng kinh tế rơi vào khủng hoảng như năm 2008, 2009, các nước lại sử dụng điều tra chống bán phá giá như một biện pháp để hạn chế nhập khẩu và bảo hộ thương mại trong nước. Trong khi nền kinh tế phục hồi khó khăn, các biện pháp bảo hộ thương mại đang có xu hướng quay trở lại nhưng ở cấp độ tinh vi hơn.
Đồ thị 3: Số vụ điều tra chống bán phá giá và chống bảo hộ thương mại (1995 – 2008)
Nguồn: Báo cáo thương mại quốc tế (World Trade) 2009 – WTO
Giá trị đầu tư (investment) năm 2008 của toàn thế giới đã tăng gấp 2.13 lần so với năm 1998. Song song với quá trình thúc đẩy tiêu dùng để kích thích tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn, các biện pháp kích thích và thu hút vốn đầu tư vẫn là nhân tố cơ bản để tạo ra tăng trưởng kinh tế.
Quy mô các dòng vốn vào và ra của các khu vực kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ. Năm 2007 tổng dòng vốn chảy vào Mỹ đạt 2129.5 tỷ USD (tăng gấp 2.72 lần năm 2001), tổng dòng vốn vào EU đạt 1629.0 tỷ USD (tăng gấp 2.14 lần năm 2001) và tổng dòng vốn vào các nước đang phát triển đạt 1666.2 tỷ USD (gấp 9.11 lần năm 2001). Về dòng vốn ra, năm 2007, dòng vốn ra của Mỹ tăng gấp 3.85 lần năm 2001, tương tự mức tăng 3.19 và 12.61 lần của EU và nhóm các nước đang phát triển. Năm 2008, do ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, các dòng vốn vào và ra tại các khu vực trên toàn thế giới giảm sút mạnh mẽ, trong đó dòng vốn chảy vào Mỹ giảm đặc biệt mạnh (lần đầu tiên dòng vốn chảy vào Mỹ thấp hơn của khu vực EU và nhóm các nước đang phát triển), dòng vốn chảy ra hầu như không có.
Đồ thị 4 : Dòng vốn vào và ra của Mỹ, EU và các nước đang phát triển
Nguồn: Global financial Stability – IMF – 10/2009
Trung Quốc nổi lên như một nước có mức đầu tư vốn ra nước ngoài đặc biệt gây ấn tượng trong giai đoạn này với tỷ trọng vốn đầu tư ra nước ngoài năm 2008 chiếm tới 24.2% tổng giá trị xuất khẩu vốn của toàn thế giới (tỷ lệ này là 14.2% năm 2005). Hoa Kỳ không còn là nước nhập khẩu vốn chiếm ưu thế như những năm đầu thế kỷ 21, năm 2008, tỷ trọng vốn chảy vào Hoa Kỳ chỉ còn chiếm 43% tổng giá trị nhập khẩu vốn trên toàn thế giới (tỉ lệ này năm 2005 là 65.1%).
Biều đồ 1: Các xuất khẩu và nhập khẩu vốn trong năm 2005, 2008
Nguồn: báo cáo Global Financial Stability tháng 4/2006 và tháng 10/2009 của IMF
Đồ thị 5 : Đầu tư trực tiếp tại các nền kinh tế mới nổi và các nước đang phát triển
Luồng vốn thay vì tập trung vào một số nước nhất định đã được phân bổ rộng rãi đến nhiều nước hơn, tận dụng các cơ hội kinh doanh phát triển khi ngày càng có nhiều nước thực hiện mở cửa tài khoản vốn. Đặc biệt các nguồn vốn FDI đã trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế ở các nước đang phát triển, đồng thời khu vực kinh tế có vốn FDI cũng ra một tỷ trọng giá trị cao trong tổng GDP của những nước này. Các luồng vốn đầu tư hướng đến một thị trường rộng khắp thay vì tập trung ở một số nước nhất định như trước đây. Tuy nhiên sự phân bổ giữa các khu vực rõ ràng vẫn chưa có sự cân bằng, một tỷ lệ vốn cao vẫn tập trung ở các khu vực kinh tế có mức phát triển tốt hơn. Mỹ vẫn là nước thu hút được dòng vốn chảy vào đứng đầu thế giới, dòng vốn ròng chảy vào Mỹ duy trì ở mức dương qua nhiều năm liên tiếp, trong khi dòng vốn ròng vào các nước đang phát triển thường xuyên duy trì ở mức âm, và dòng vốn ròng chảy vào các nước EU biến động nhiều hơn, có năm dương và có năm âm.
KHU VỰC TÀI CHÍNH NGÀY CÀNG PHÁT TRIỂN MẠNH VÀ TRỞ THÀNH TÂM ĐIỂM CỦA KINH TẾ THẾ GIỚI
Cùng với quá trình tăng trưởng nhanh của nền kinh tế, nhu cầu về vốn và sự luân chuyển mạnh mẽ của các dòng vốn đã tạo nên động lực thúc đẩy khu vực tài chính tăng trưởng nhanh chóng. Trong 3 thập kỷ gần đây, tài sản tài chính của toàn thế giới đã tăng nhanh hơn gấp 3 lần mức tăng trưởng của GDP, từ 12 nghìn tỷ USD năm 1980 đã tăng lên 195 nghìn tỷ USD năm 2007 (tương đương với mức tăng từ 119% GDP năm 1980 lên 356% GDP năm 2007)
Biều đồ 2: Quy mô tài sản tài chính toàn cầu (1990 – 2008)
Nguồn : Báo cáo về thị trường vốn toàn cầu (Global capital markets: Entering a new eara) 2009 – McKinsey Global Institude – 9/2009
Hoa Kỳ tiếp tục là khu vực tài chính lớn nhất thế giới với tổng tài sản tài chính của Hoa Kỳ năm 2005 là 50 nghìn tỷ USD (chiếm 1/3 tổng tài sản tài chính toàn thế giới). Đứng thứ 2 và thứ 3 là khu vực EU (30 nghìn tỷ USD) và Nhật Bản (19.5 nghìn tỷ USD).
Chứng khoán vốn, chứng khóan nợ tư nhân và tín dụng ngân hàng là 3 thành tố chủ yếu trong cơ cấu tổng tài sản tài chính toàn cầu. Năm 2008, tổng giá trị tín dụng ngân hàng của toàn thế gới là 61.1 nghìn tỷ USD (bằng 101% tổng GDP), tăng 221% so với năm 1990, trong đó tín dụng Ngân hàng tại Mỹ đạt 12.5 tỷ USD (chiếm 20.4%). Quy mô của nợ chính phủ tăng trưởng chậm hơn và dần chiếm tỷ trọng nhỏ hơn trong tổng cơ cấu thị trường tài chính. Tuy nhiên cơ cấu này cũng khác nhau giữa các quốc gia và thay đổi giữa các thời kỳ trong cùng một quốc gia. Như tại thị trường Nhật Bản, chứng khoán vốn chiếm tới 68% tổng giá trị tài sản, tỷ lệ này ở EU là 36%, Hoa Kỳ là 22% và ở các nền kinh tế mới nổi là 56%, nợ chính phủ chiếm tỷ trọng đặc biệt lớn tại Nhật Bản (26%), Chứng khoán nợ tư nhân phát triển mạnh tại thị trường Hoa Kỳ (42%) và EU (36%), ít phát triển tại thị trường các nước mới nổi (6%) và chưa xuất hiện tại thị trường Nhật Bản – theo Số liệu 2004 – 2005 . Tuy nhiên đến năm 2008, chứng khoán nợ tư nhân đã tăng lên 9% tại thị trường Nhật Bản, thị trường cổ phiếu thu hẹp chỉ còn 12%, tín dụng ngân hàng tăng lên 44%, nợ chính phủ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Đồ thị 6: Thị trường vốn quốc tế (1990 – 2008)
Nguồn: Báo cáo về thị trường vốn toàn cầu (Global capital markets: Entering a new eara) 2009 – McKinsey Global Institude – 9/2009 (số liệu các năm tính thống nhất theo tỷ giá năm 2008)
Quy mô thị trường vốn quốc tế đã tăng liên tục từ 2002 đến 2007. Cho vay và cấp tín dụng là hoạt động chủ yếu, tiếp theo là thị trường giao dịch trái phiếu. Đầu tư trực tiếp chỉ chiếm 20% năm 2007 nhưng đứng khá vững trong năm 2008 – khi khủng hoảng kinh tế xảy ra trong khi đó, sự giảm sút đột ngột của dòng vốn cho vay và cấp tín dụng năm 2008 là nguyên nhân cơ bản dẫn đến giảm sút thị trường vốn toàn cầu. Thị trường bất động sản đạt mức cao nhất trong năm 2007 với tổng giá trị thị trường lên tới 90 nghìn tỷ USD, tuy nhiên thị trường này đã giảm xuống 87.4 nghìn tỷ vào năm 2008. Sự tăng trưởng liên tục của thị trường bất động sản từ 1990 cho đến 2007 chính là nguyên nhân tạo nên các bong bóng bất động sản gây ra các cuộc đổ vỡ tài chính nghiêm trọng.
Chính phủ vẫn đóng vai trò quan trọng trong khu vực tài chính, tuy nhiên khả năng của chính phủ trong việc điều tiết đơn phương hoạt động tài chính đang ngày càng giảm bớt do tác động từ hoạt động mở cửa khu vực tài chính của các nước trong quá trình hội nhập cũng như sự tăng cường chu chuyển vốn trên quy mô toàn cầu. Ngày nay, 1/3 số người sở hữu trái phiếu chính phủ, 1/4 số người sở hữu cổ phiếu, và 1/5 số người sở hữu các chứng khoán nợ tư nhân không cư trú tại nước phát hành các chứng khoán đó. Thậm chí các nhà đầu tư cá nhân cũng có thể mua chứng khoán trên thị trường chứng khoán Mỹ bằng các giao dịch trên thị trường chứng khoán toàn cầu.
Sự phát triển của thị trường tài chính với việc mở rộng quy mô giao dịch, đối tượng giao dịch và các loại hình sản phẩm tạo ra tính rủi ro cao cho thị trường này. Cuộc khủng hoảng gần đây đã làm hiện rõ yếu điểm của những hệ thống có thể điều tiết được một số nhà đầu tư, nhưng lại không điều tiết được số còn lại và không có tầm vóc quốc tế, dẫn đến rủi ro vẫn tích tụ ở một số khâu trong hệ thống tài chính và là nguyên nhân bùng nổ khủng hoảng.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 – 2009, hệ thống tài chính thế giới được nhận định sẽ có sự cải biến tổng thể. Cơ chế kiểm soát rủi ro, an toàn về vốn, cơ chế kinh doanh các sản phẩm tài chính phái sinh đã được nhìn nhận lại và đòi hỏi những sự thay đổi cơ bản trong hoạt động của các định chế tài chính trên toàn thế giới. Mặc dù các dấu hiệu phục hồi là khá rõ rệt, sự phục hồi của tài chính thế giới hiện nay được đánh giá là chưa bền vững.
Trong mười năm đầu của thế kỷ 21, kinh tế thế giới đã chứng kiến tốc độ toàn cầu hóa sâu rộng và nhanh chóng. Sự hình thành các tổ chức kinh tế thế giới và khu vực, các khu vực mậu dịch tự do, các hiệp định song phương và đa phương đã xóa bỏ các rào cản thương mại, rào cản sản xuất và rào cản về vốn, tăng khả năng tiếp cận dễ dàng với các nguồn lực trên thế giới và gia tăng dòng chảy quốc tế về vốn, hàng hóa và dịch vụ. Toàn cầu hóa đã thúc đẩy thương mại quốc tế tăng trưởng mạnh (tổng kim ngạch thương mại quốc tế 2008 đạt gần 40 nghìn tỷ USD), dòng vốn lưu chuyển nhanh và dễ dàng giữa các quốc gia, các khu vực kinh tế (FDI toàn cầu năm 2000 là 1400 tỷ USD, và năm 2007 là 1538 tỷ USD) là điều kiện cơ sở để nhiều quốc gia đặc biệt là những nước đang phát triển có cơ hội tận dụng nguồn vốn từ bên ngoài để tạo nên những bước đột phá về kinh tế xã hội.
Trong quá trình phát triển đó, dịch vụ tài chính là khu vực phát triển sau nhưng có tốc độ toàn cầu hóa nhanh nhất và hoàn thiện nhất. Các thị trường tài chính chuyển dịch nhanh chóng được hỗ trợ đắc lực từ công nghệ tiến bộ với tốc độ cao khiến cho giao dịch tài chính vượt khỏi biên giới quốc gia và làm cho hoạt động đầu tư quốc tế trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Các quy định hạn chế của chính phủ đã được dỡ bỏ tại hầu hết các trung tâm tài chính lớn và người nước ngoài được khuyến khích đầu tư. Điều này đã tạo ra một bức tranh toàn cảnh năng động với hàng loạt cơ hội đầu tư.
Tuy nhiên, quá trình toàn cầu hóa cũng kéo theo mặt trái của nó. Sự gắn kết giữa các nền kinh tế càng mạnh thì sự tương tác hay phản ứng dây chuyền càng lan nhanh và rộng. Một sự thay đổi nhỏ trên các nền kinh tế chủ đạo của thế giới như Hòa Kỳ, Châu Âu, Trung Quốc,… ngay lập tức có thể gây ra sự xáo trộn mạnh mẽ đối với kinh tế thế giới. Tiêu biểu như cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ Hòa Kỳ vào cuối năm 2007. Chỉ trong một ngày sau sự kiện Lehman Brothers – tổ chức tài chính vào loại lớn nhất và lâu đời nhất của Mỹ bị phá sản, chỉ số FTSE100 của Anh mất 1,5%, CAC-40 của Pháp mất 1,4%, chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm gần 5%, chỉ số Hang Seng của HongKong giảm 5,4%, chỉ số chứng khoán của Hàn Quốc mất 6,1%, Đài Loan mất 4,9% và Thượng Hải mất 4,6%. Tính thanh khoản trên thị trường tài chính sụt giảm mạnh mẽ, lãi suất Libor trong tháng 10/2008 tăng tới 30% cho thời hạn 1 tháng và 3 tháng, 16% và 12% cho thời hạn 6 tháng và 12 tháng.
Những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng đang khiến cho toàn cầu hóa có xu hướng đảo chiều. G7 (nhóm các nước công nghiệp phát triển) và G-20 (nhóm các bộ trưởng tài chính và các thống đốc ngân hàng trung ương của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới) theo đánh giá của một số chuyên gia kinh tế, đã không thể đưa ra biện pháp đối phó một cách hiệu quả đối với cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, ngoài việc mở rộng Quỹ tiền tệ quốc tế. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng cũng đã phơi bày những điểm yếu trong Liên minh Châu Âu. Sự bất đồng về kinh tế đang gia tăng khi ba quốc gia mạnh nhất EU là Pháp, Đức và Anh không đạt được thỏa thuận trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng và đã khước từ những lời kêu gọi giúp đỡ khẩn cấp của các nước Đông Âu. Tự do hóa thị trường là cơ sở cơ bản của toàn cầu hóa đã tỏ ra là một cơ chế không đủ mạnh để có thể duy trì sự phát triển lành mạnh của nền kinh tế, can thiệp của chính phủ là sự cần thiết. Sau những sự kiện có tính liên hoàn lan rộng giữa các nước trong cuộc khủng hoảng vừa qua, chính phủ các nước đang dần nhìn lại tầm quan trọng của lý thuyết Keynes cũng như vai trò của bàn tay hữu hình, có thể sẽ tiến hành cơ cấu lại các lĩnh vực kinh tế và cơ chế quản lý giám sát từ Nhà nước nhằm đảm bảo sự hội nhập hợp lý, duy trì mức độ độc lập tương đối như một rào cản ứng phó với các tình huống xấu từ thị trường thế giới.
SỰ NỔI LÊN CỦA CÁC NƯỚC ĐANG PHÁT TRIỂN VÀ VỊ THẾ CỦA TRUNG QUỐC
Từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai, bản đồ kinh tế thế giới dần được hình thành với 3 thế cực Hoa Kỳ, Châu Âu và Nhật Bản đóng vai trò làm 3 trung tâm kinh tế thế giới tạo ra phần lớn của cải cho toàn bộ nền kinh tế thế giới cũng như có sức chi phối mạnh mẽ đối với các hoạt động kinh tế trên toàn cầu. Tuy nhiên cho đến nay, vai trò của các nước trong tổng hòa kinh tế giới đã có nhiều thay đổi với sự vươn lên của một số nước và nhóm nước, cùng sự suy giảm của một số nước khác.
Hoa Kỳ vẫn là nền kinh tế đứng đầu thế giới với giá trị GDP chiếm khoảng 30% tổng GDP của toàn bộ nền kinh tế thế giới. Tuy nhiên càng về những năm gần đây, tỷ trọng của nền kinh tế Hòa Kỳ đối với kinh tế thế giới càng giảm, tỷ trọng này năm 2008 là 23.79% - mức thấp nhất trong vòng 20 năm trở lại đây, giảm 8% so với năm 2001. Tốc độ tăng trưởng trung bình của kinh tế Hoa Kỳ giảm từ 3,42%/năm (từ 1991-2000) xuống 1,61%/năm (từ 2001- 2010) trong khi tốc độ tăng trưởng trung bình của kinh tế thế giới tăng từ 3,07%/năm (1991-2000) lên 3,2%/năm (2001-2010). Trong suốt giai đoạn 10 năm trở lại đây, kinh tế Hoa Kỳ liên tục có tốc độ phát triển thấp hơn tốc độ trung bình của toàn thế giới. Giá trị đồng USD giảm sút, tính đến tháng 9 năm 2009, đồng USD đã mất giá 10% so với tháng 12 năm 2005 và 18% so với tháng 12 năm 2000 (tính theo tỷ giá USD/SDR).
Bảng 2: TỶ GIÁ NGOẠI TỆ TÍNH TRÊN SDR THÁNG 9 NĂM 2009
Cùng với quá trình nổi lên của các nền kinh tế đang phát triển và sự suy giảm trong vai trò chi phối kinh tế thế giới của Hoa Kỳ, Trung Quốc đang dần tiến đến vị trí của một trong những nền kinh tế quan trọng. Năm 2009, trong khi cả thế giới lâm vào tình trạng suy thoái, Trung Quốc vẫn đạt tốc độ tăng trưởng 9% (chiếm 7% GDP của toàn thế giới) và dự đoán GDP của Trung Quốc trong năm 2010 tiếp tục tăng 9.8%. Trong suốt thời kỳ từ 1978 đến 2009, Trung Quốc đã duy trì được một tốc độ tăng trưởng cao vào khoảng 9.9%, gấp 3 lần mức tăng trưởng trung bình của toàn thế giới. Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu năm 2008 của Trung Quốc chiếm 5% và 7% tổng kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của toàn thế giới, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc đã vươn lên vị trí số một. Đến cuối năm 2008, Trung Quốc có lượng dự trữ vàng là 1929 vạn troy ounce, dự trữ ngoại hối đạt 1946030 triệu USD (trung bình tăng 37%/năm) và trở thành chủ nợ lớn nhất của Mỹ.
ĐỒ THỊ 7: DỰ TRỮ NGOẠI HỐI CỦA TRUNG QUỐC
Nguồn: Ngân hàng nhân dân Trung Quốc
Sự hình thành của G20 và vai trò ngày càng gia tăng của tổ chức này thay thế vị trí cho G7 đã chứng tỏ được sự vươn lên của nhóm các nước mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc. Tăng trưởng nhanh về kinh tế, chiếm lĩnh các thị trường xuất nhập khẩu chủ yếu, với các tiềm lực khác như dân số đông, tài nguyên thiên nhiên dồi dào, tiềm lực quân sự mạnh,… Trung Quốc đang dần hình thành một thế cực mới tại Châu Á trong khi nền kinh tế Nhật Bản ngày càng mờ nhạt.
1. Financial Stability report – IMF – 10/2009
2. Mapping Global Capital Market 2009, 2008, 2007 – Mckensy Global Institude
3. World Trade Report 2003, 2004, 2006, 2008, 2009 – WTO
4. The Global Monetary Analyst, Emerging Inflation – 9/6/2008 – Morgan Stanley
5. Global Trade Protection Report 2009 – 15/6/2009 – Cliff Stevenson (www.antidumpingpublishing.com)
6. Harvard Business Review – Hbr.org – 9/2008
7. World Economic Outlook 10/2009 – IMF
[1] Các số liệu 2009, 2010 trong bài được lấy theo ước tính của của IMF